Lệ Thần Trần Trọng Kim: Một đời thân bất do kỷ

   Kẻ sĩ thời loạn tung hoành hồ thỉ mà mấy ai được như Trần quân. Một đời người trải bao vinh nhục, lữ loạn biến thông mà cớ sao không phải ai cũng nhìn ông với con mắt hảo cảm. Vì một lẽ, cái ngôi cao của chính thể Đế quốc Việt Nam!

    Theo cái lẽ không nên theo đó, có một Trần Trọng Kim chỉ là duyên bèo nước với đạo Nho. Tuy nhiên, lật dở những trang sách mà Trần quân viết về “Đạo thống” Khổng – Mạnh, mới thấy trăn trở của kẻ sĩ thời loạn lớn đến nhường nào. Xin bẩm một cách khiêm cung với những ai có nhã hớn bằng đôi lời vụn dưới đây

    Xuất thân vốn gốc Nho giáo, Lệ Thần Trần Trọng Kim không còn lạ gì cương lĩnh “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”.  Song lý tưởng của nó đã không còn trụ vững trước làn mưa Âu, gió Á tại Việt Nam buổi sớm giao thời.

    Nội tại và sự tiếp biến ấy đã làm cho “hầu hết các Nho sĩ lớp cũ hay lớp mới đều bâng khuâng trong việc tìm một nhận thức, nhân sinh, khả dĩ làm địa bàn cho công việc nhận định của mình” [2, tr. 13]. Nhưng cũng chỉ trong cảnh loạn thì tư tưởng các phái mới chuyển dời mạnh mẽ để phát triển. Xét riêng trong Nho giáo cũng như vậy. Trước đây, phái Lý học Trình – Chu trong thế đối chọi với nó là Tâm học Lục – Vương mới có thể đạt đến đỉnh cao nghĩa lý. Sau khi trở thành quan học của xã hội, đạo thánh mới dần bị cứng, “ngay đơ như thể phách người chết”

    Trong sự đan xen giữa mới và cũ đó, ta thấy Trần Trọng Kim cùng một số học giả khác đã cùng phất cao ngọn cờ “Quốc học” để tìm con đường cho tư tưởng dân tộc. Ở riêng Trần quân là hiện đại hóa Nho học!

    Tác phẩm Nho giáo được Trần quân chắp bút trong bối cảnh “người đời lãnh đạm, ai nấy thấy cái học cũ đã đổ thì thôi, không ai lưu ý đến nữa” [1, tr. ii] .Vì một lòng hoài cổ nên Trần tiên sanh đã vẽ lại cái bản đồ Nho học ấy cho thiên hạ. Điều cần nói ở đây, chính là phong cách viết của Trần quân.

    Là một trước tác trình bày về tư tưởng, sự phát triển của Nho giáo trong dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên, như truyền thống “dĩ thuật nhi tác” vốn không hề xa lạ của các nhà Nho trước đây, Trần quân đã đưa những quan điểm của riêng mình vào đó một cách nền nã, kín kẽ. Là một biên niên lịch sử tư tưởng, Nho giáo trình bày bộ mặt của trường phái này mà nổi bật lên mạch “Đạo thống” theo Trần tiên sinh là từ Khổng – Mạnh đến Dương – Thiệu sang Liêm – Trình (Trình Hạo) tới Lục – Vương và phái Lưu – Hoàng. Cố nhiên trong dòng chảy đó, vẫn còn những vị tiên Nho kiệt xuất khác, song không được Trần Trọng Kim liệt vào chính phái. Đó là những cái tên mà bất cứ ai từng xem hành trạng của chư tử đều không khỏi thán phục: Tuân Tử, Trương Tái, Trình – Chu! Điều này khiến không ít người đọc qua tác phẩm ngạc nhiên, vì đó là một quan điểm có đường hướng khác so với những nhìn nhận trước đây về sự đích truyền của Nho học. Nói gọn lại, thay vì từ Khổng – Mạnh đến Lý học Trình – Chu thì Trần quân lại đưa Tâm học Lục – Vương vào.

    Việc đề cao Tâm học Lục – Vương của Trần quân là một dấu hiệu hiện đại hóa của Nho học, khi ông cho rằng chính phái này đã làm cho Nhật Bản vươn mình giai đoạn tiền Minh Trị. Là một người thức thời, Trần quân đoán biết được sự du nhập ồ ạt của làn sóng Tây học vào các nước châu Á. Nhân bối cảnh đó, Trần Trọng Kim hy vọng sẽ quét được những điều cổ hủ của Nho giáo, khoác lên cho nó một lớp áo cao minh vốn có từ xưa nay. Theo cách nói khác, đó là Tây học sẽ lột bỏ đi những tư tưởng ngặt nghèo của Lý học Trình – Chu và ăn nhập được với tính uyển chuyển của Tâm học Lục – Vương ngõ hầu tạo ra được mẫu người “nội Thánh, ngoại Vương” đúng nghĩa.

    Ở đây, chúng ta thấy sự tự tin của Trần quân, hay của Nho giáo trước những thách thức đến mức thôn tín của tư tưởng Phương tây. Trần tiên sinh cho rằng Tây học sẽ không lấn át được vị thế của Nho giáo. Bởi lẽ dù có xoay vần trước thời cuộc thì truyền thống tu dưỡng đạo đức của người Á Đông vẫn còn đó. Tuy nhiên nói vậy cơ hồ người viết vẫn còn chung chung. Bàn sâu thêm một chút, ta thấy Trần quân đã dùng đến triết học Tây phương để hiện đại hóa Nho giáo, mà cụ thể hơn là học thuyết “trực giác” của Bergson.

    “Trực giác” của Bergson là kết quả phản kháng trước sự đang lên của trào lưu duy lý trong triết học phương Tây, mặc khác nó cũng là “cây cầu” nối liền giữa khoa học và siêu hình học, bằng cách thể hội trực tiếp vào đối tượng, thay vì phân tách, nó ra như khoa học vẫn thường làm. Làm được điều đó, không có gì khác ngoài dùng “trực giác” để thành một thể với vật. Trần Trọng Kim hiểu cái lẽ ấy nên đã tự nhận truyền thống phiếm thần luận của Nho giáo không khác “trực giác” của Bergson là mấy. Ông cho rằng “lương tri” là “trực giác”, thông qua “lương tri” mà con người ta mới hiểu cái lẽ thiên địa vạn vật nhất thể. Một khi đã huyền đồng vạn vật thì thấy được đâu là chân diện mục của nó, Nho giáo cũng vậy. Những tư tưởng cao minh của nó được tiếp cận từ chính nội tại thay vì sự phân tích bên ngoài, cho nên ta thấy được một học thuyết sống động hoàn toàn có thể minh nhiên được với thời đại bằng cách “gây lấy cái tâm học của ta, để làm cái gốc, rồi nhân cái gốc chắc chắn mạnh mẽ ấy, mà dùng các ngành khoa học để theo người mà tiến hóa. Ta tiến hóa như thế, thì ta không bỏ mất cái đặc tánh của ta, mà những sự tiến hóa của ta lại có có nghĩa lý và chắc chắn, không đến nỗi hồ đồ hỗn độn, không biết gốc ở đâu, ngọn ở đâu” [1, tr. 706].

    Việc dung thông hai luồng tư tưởng Đông – Tây trong Nho giáo khiến nó trở thành một hiện tượng trong học giới lúc bấy giờ. Nổi bật lên đó là cuộc bút chiến giữa Trần quân và học giả Phan Khôi về nội dung mà sách thể hiện. Cuộc bút chiến được gói gọn qua việc Trần Trọng Kim cố gắng hiện đại hóa Nho học bằng cách liên hệ với khoa học phương Tây, ngược lại Phan Khôi lại chủ xướng bỏ hẳn đạo Nho khỏi sinh hoạt của người nước Nam hiện tại.

    Phong cách hiện đại hóa Nho giáo của Trần quân khiến ta dễ liên tưởng đến trào lưu Tân Nho gia hiện đại ở Trung Quốc qua những cái tên như Lương Thấu Minh, Hùng Thập Lục… cả thảy đều chủ xướng trào lưu “Quốc học” nhằm phản bản khai tân. Xong điều ngậm ngùi thay, đã là nhà Nho thì không cãi lại được mệnh trời! Kẻ sĩ thời loạn thì thân bất do kỷ. Là một người có lòng yêu nước theo cách riêng của mình, Trần quân đã từng mong dùng tư tưởng Nho giáo mới để làm hệ tư tưởng cho dân tộc buổi hưng vong. Nhưng những tất yếu lịch sử, cùng với của đời thăng trầm khảm kha của mình đã làm cho tiên sinh không thể thừa tiếp được mạnh truyền ấy của cửa Khổng.

    Sự đổi dời của dòng chảy tư tưởng dân tộc được biểu hiện qua những người như Trần quân, hoặc bất kì ai nào có lòng mẫn thế trước thời cục. Dù là trụ hay diệt, Trần tiên sanh đã đưa ra một nhận định đủ lấy làm an cho người nào muốn theo chân cửa Khổng:

“Ai đã tấm tắc cái tinh thần [Khổng giáo], thì cũng có cái nhân cách tôn quý đặc biệt, khác hẳn người thường” [1, tr. xxxii].

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Trọng Kim (2003). Nho giáo. Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Kiêm Thêm (1960). Luận đề về Trần Trọng Kim. Nxb Bạn trẻ, Saigon.